Chia sẻ ngắn của mình trên Cung Đường Phượt Bụi , hôm nay soạn lại rồi mang về web đăng cho có thêm chút view
- Con đèo mà anh em phượt thủ miền Nam nào chắc cũng đã đi qua. So với mấy con đèo ở Tây Nguyên thì Đèo Bảo Lộc không cấn tượng, không quá đẹp, không quá nguy hiểm, nhưng lại nổi tiếng phết.
- Key “tai nạn đèo Bảo Lộc” tần suất xuất hiện còn nhiều hơn là “du lịch Bảo Lộc“. Đường đèo không quá nguy hiểm, nhưng mật độ giao thông nhiều *hơn so với mấy con đèo khác*, nên tỷ lệ tai nạn từ đó cũng khá cao.
- Combo dễ dính nhất trên đèo Bảo Lộc là: vượt xe tải *đang BÒ lên đèo* được 50% thì phía ngược lại có một con xe to lớn lao xuống. Anh em vượt trên đèo này thì chú ý tầm nhìn thật tốt rồi hẵng vượt nhé.
- Chuyện MA ở đèo : chắc vài anh em cũng nghe qua các câu chuyện “áo trắng đi nhờ xe”. Mình ở gần đèo, còn nghe qua nhiều câu chuyện creepy hơn nữa cơ. Ngoài tỷ lệ tai nạn cao, trước đây Đèo Bảo Lộc còn la *sinh cảnh* rất phù hợp để c.ứ.ớ.p và phi tang , không tin cứ lên mấy báo an ninh, kiếm key “Bảo Lộc” là ra nhiều lắm. Vì tỷ lệ *âm khí cao*, lâu lâu người dân lại phát hiện , các câu chuyện truyền miệng lan ra như gió, tam sao thất bản, ngày càng rùng rợn hơn. Tuy giờ an ninh đã tốt, camera khắp đèo, nhưng bác nào dám độc hành qua đây ban đêm thì cũng đáng nể lắm.
Đèo Bảo Lộc không phải ranh giới của Lâm Đồng với Đồng Nai, Rất nhiều anh em checkin ở đầu đèo, như một cách để nói: *tôi đã đến Lâm Đồng*, nhưng thật ra bạn phải đi qua hết một huyện của Lâm Đồng tên Đạh Hoai thì mới tới được Đèo Bảo Lộc.Lên Bảo Lộc, Đà Lạt, ngoài qua Đèo Bảo Lộc thì anh em còn có thể vào Đạh Tẻ, đi DT725 lên, đây là cung đường “must try” cho bất kỳ anh em phượt thủ nào.
Sắp tới có cao tốc, xe tải, xe du lịch sẽ đi cao tốc, phương tiện qua đèo sẽ giảm, lúc đó lưu thông qua đèo BL sẽ an toàn hơn nhiều.
Theo người dân địa phương ở đây kể thì ngày xưa ở đây có 3 cô gái có tên lần lượt là Loan, Hòa, Thảo đều là người Bảo Lộc đang là sinh viên của một trường đại học tại Sài Gòn. Vào kỳ nghỉ hè, ba cô từ Sài Gòn trở về Bảo Lộc trên chiếc xe khách, do tài xế lái xe quá nhanh qua một khúc cua trên đèo nên chiếc xe đã bị lật và tử nạn toàn bộ hành khách trên xe. Không lâu sau đó có một đoàn xe du lịch lên thành phố Đà Lạt cũng chạy tới khúc cua này cũng bị lật xe và lao xuống vực. Trong đoàn có bốn người sống sót gồm một chàng thanh niên và ba cô gái. Dù rất yếu sau vụ tai nạn nhưng cả bốn người đều cố động viên lẫn nhau để cùng leo lên tới mặt đường. Do chàng trai bị nặng hơn nên thường xuyên được ba cô gái dìu dắt, kéo lên. Khi lên tới mặt đường, do đuối sức, chàng trai đã ngất xỉu. Khi tỉnh dậy, chàng trai thấy mình nằm trong bệnh viện nhưng không thấy ba cô gái kia đâu. Chàng trai hỏi mọi người thì biết rằng người ta chỉ thấy có mỗi mình chàng nằm bên đường mà không hề thấy có thêm ai cả, và toàn bộ số người còn lại trong đoàn xe đã tử nạn, trong đó không có cô gái nào như chàng trai miêu tả. Điều huyền bí ở đây là các cô gái mà chàng trai miêu tả rất giống với ba cô gái bị tử nạn lúc trước. Người ta cho rằng vì chết quá trẻ và còn trinh trắng nên oan hồn của ba cô gái lúc trước cứ vất vưởng nơi chân đèo và khi gặp trường hợp tai nạn tương tự nên đã hiển linh giúp đỡ chàng trai trẻ trở thành người duy nhất thoát chết. Sau thời gian đó người dân nơi đây đã lập một ngôi miếu nhỏ để cầu siêu cho linh hồn của những người chết oan vì tai nạn xe cộ và nhất là oan hồn của ba cô gái trẻ, và cầu an cho những khách bộ hành có việc khi đi ngang qua đoạn đường đèo này. Từ đó tai nạn xe cộ tại khúc cua giảm hẳn, và sau này người ta không còn thấy ba cô hiện ra nữa. Tuy nhiên, theo thông tin chính thức của người trông miếu Ba Cô thì ngôi miếu này do là ông Đặng Hà và bà Nguyễn Thị Biện lập dưới thời Pháp thuộc, sau khi hai ông bà từ Bình Định lên đây tìm miền đất mới và trốn lính, khi tới con đèo này thấy có nhiều vụ tai nạn thương tâm do địa hình khắc nghiệt nên ông Hà đã dựng miếu để thờ cúng. Lúc đầu miếu Ba Cô chỉ là một ngôi miếu nhỏ nhưng sau đó người dân đã đóng góp nên mới xây ngôi miếu khang trang như bây giờ. Tuy nhiên, ba cô là người Sài Gòn chứ không phải người Bảo Lộc. Trước đây mộ ba cô được chôn sát ven đường nhưng nay đã được người thân bốc đưa về Sài Gòn.
Từ đó trở đi con đèo này còn có tên gọi là Đèo Ba Cô để nhắc nhở người đi qua đèo cần cẩn thận để tránh xảy ra tai nạn đáng tiếc như ba cô gái xấu số.
Trước năm 1926, không có bất kỳ phương tiện nào ngoài đôi chân trần vượt qua vùng rừng núi hoang vu B’Lao nối cao nguyên B’Lao của người Mạ với vùng đất thấp Đạ Huoai – Đồng Nai này. Khi người Pháp bắt đầu mở đường từ Sài Gòn lên Đà Lạt vào năm 1926 và hoàn thành cơ bản vào năm 1927 (đoạn thuộc tỉnh Lâm Đồng ngày nay), trong gần một năm, trong số hơn 400 phu dịch là người Mạ B’Lao cùng với người Cơho, người Stiêng bản địa và cả người Kinh có không ít người đã bỏ mạng trên con đường đèo này và xác của họ hầu như chỉ được chôn cất ngay tại ven con đường mới mở.
Rồi, từ khi con đèo mở ra với một bên là núi cao dựng đứng và một bên là vực sâu thăm thẳm, đã có quá nhiều vụ tai nạn xảy ra. Trong số đó, có những người không tìm thấy xác. Trước khi đèo Bảo Lộc được mở rộng (cuối những năm 90), ai đi ngang qua con đèo này cũng đều rợn người khi cứ vài ba mét là có một chiếc am thờ nghi ngút khói nhang. Bởi vậy, xứ sở B’Lao xưa của người Mạ không chỉ là xứ sở thần linh mà ngày nay, nó còn là xứ sở của ma mị, của những câu chuyện thần bí khó tin…
Ngày trước, khi con đường đèo chưa được mở ra, người Mạ ở xứ sở thần linh B’Lao muốn trao đổi với thế giới bên ngoài đều phải sử dụng đến phương tiện duy nhất của mình là đôi chân trần. Thường thì sau mỗi mùa tuốt lúa, người Mạ cho vào gùi những sản vật vùng cao và bắt đầu mùa lữ hành về xuôi để đổi mắm muối. Họ đi trong nhiều ngày, đi thành đoàn, lầm lũi, nhẫn nại…
Họ đi từ buôn này sang buôn khác, từ núi này sang núi nọ, và thường là xuyên qua vùng rừng núi B’Lao (nay có đèo Bảo Lộc) để về xuôi. Xuôi về Bình Thuận, họ đổi sản vật rừng để lấy muối. Xuôi về Đồng Nai, họ đổi sản vật rừng để lấy chiêng. Trên đường đi, lúc ngang qua cây thần cổ thụ có miếu thờ thần Cọp Trắng, đoàn người dừng lại làm lễ và có thể nghỉ qua đêm để sáng sớm mai đi tiếp. Một chuyến đi về của người Mạ B’Lao trong mùa lữ hành như thế có khi dài đến hơn hai mươi lần mặt trời mọc lặn.
Đến khi người Pháp mở ra con đường đèo men theo triền núi với một bên là dốc đứng và một bên là vực thẳm này, “con đường về xuôi” của người Mạ B’Lao trở nên dễ dàng hơn. Nhưng có điều là hệ quả của con đường cũng không nhỏ khi đội quân “ăn rừng” (phá rừng) của người Kinh và cả người dân tộc thiểu số ngày một “hùng mạnh” khiến cho môi trường rừng núi của Tây Nguyên ngày càng bị xâm hại nghiêm trọng.
Ngày trước, khái niệm “trồng rừng” trong cộng đồng người dân tộc thiểu số Tây Nguyên không hề có. Nhưng nay, khi những cánh rừng, trong đó có cả những khu rừng thiêng bất khả xâm phạm, bị tàn phá và khi được cán bộ lâm nghiệp vận động “trồng rừng” thì bà con dân tộc Mạ ở Blá, ở Bsu Đăng Lú, ở Tơng Dờng… sẵn sàng tham gia. Trồng rừng để góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ đèo Bảo Lộc; để làm giảm thiểu tai nạn giao thông trên đèo đã trở thành câu chuyện thường nhật của xứ sở thần linh B’Lao này.
Trong câu chuyện trồng rừng ở xứ sở thần linh B’Lao, một nhân vật “kỳ quặc” khiến cho nhiều người ngưỡng mộ là ông Bùi Thọ. Ông Bùi Tho năm nay đã trên 70 tuổi, người Bảo Lộc, là người đầu tiên của cao nguyên thi đậu vào Trường Quốc gia Nông lâm mục ở miền Nam vào năm 1961. Ở Bảo Lộc, Đạ Huoai…, không ai là không biết chuyện về những con voi rừng bị mất môi trường sống nên đã “ly sơn” về phía làng của con người, giẫm đạp hoa màu, phá phách nhà cửa. Để bảo toàn tính mạng cho người dân, chính quyền địa phương có lúc phải “ra lệnh” cho người dân trong vùng rừng không được trú lại ban đêm trong rẫy.
Cũng ở Bảo Lộc, trên con đường đèo với một bên là núi cao chót vót và một bên là vực thẳm sâu hun hút ấy, chẳng mùa mưa nào mà không xảy ra chuyện sạt lở đất đá. Có những trận sạt lở mà ngành giao thông Lâm Đồng phải huy động cả một đội quân hết sức hùng hậu để giải phóng mặt đường trong vài tiếng đồng hồ. Theo lời ông Bùi Tho, khi những cánh rừng lùi dần thì con đường đèo càng trở nên hiểm nguy bởi môi trường ở đó không còn bền vững. Và đó cũng là một trong những lý do mà hằng năm, cứ đến mùa trồng rừng là ông Tho lại lặng lẽ tìm những hạt giống rồi lặng lẽ gieo rải khắp những cánh rừng dọc theo con đèo. Chắc chắn, những cây rừng của ông Tho không bù nổi mức độ tàn phá rừng, nhưng dẫu sao thì lý lẽ của ông vẫn đúng: “Để cho con đèo bớt rùng rợn!”.
Facebook của Bác Bùi Tho, một trong những người đáng kính nhất tại xứ B’lao : https://www.facebook.com/blao.bui.3
www.diadiembaoloc.net là danh sách các địa điểm được ghi lại bởi một người địa phương sống tại Bảo Lộc, hy vọng website này sẽ giúp bạn dễ dàng tìm kiếm những địa điểm thích hợp cho bản thân.
“Mỗi chia sẻ của bạn về diadiembaoloc.net với bạn bè, người thân của bạn sẽ góp phần giúp du lịch địa phương phát triển”