Những cung đường lên Bảo Lộc đều qua đèo, bạn có thể lên Đèo Tà Pứa rồi lên đèo Bảo Lộc , nếu đi hướng Bình Thuận lên thì đi QL55 qua đèo Đa Mi, trên Đà Lạt xuống thì qua đèo Tân Thanh. Toàn cung đường đẹp thôi, nhưng đẹp nhất với mình vẫn là vào Đạ Tẻh Qua Đèo Con Ó, đèo B40.
Bài viết này mình sẽ review cung đường từ Bảo Lộc xuống Đạ Tẻh qua cung đường DT725, cung đường quốc dân của các phượt thủ, đến Đạ Tẻh mình sẽ khám phá thêm thác Triệu Hải, con thác cao không thua kém gì thác Đạm’ri.
Cung đường ngắn, có thể đi- về trong ngày.
Từ trung tâm Bảo Lộc ra DT725 có 2 cung đường mà mình biết :
Mình chọn cung đường đi ngang qua B’lá vì thích cung này, và nhà mình phía Đại Lào đi lên nên đi cung này sẽ gần hơn.
Đồi trà trên cung đường từ Chùa A Di Đà qua B’lá
Đèo B40 là một cung đèo huyền thoại ,nối B’lá và Lộc Bắc .Đèo B40 vắng người xe qua lại, đường quanh co, uốn lượn và có nhiều đoạn xấu, rất xấu, nhưng bù lại con đèo chạy qua những cánh rừng còn nhiều nét hoang sơ, cây cối rậm rạp, phía cuối còn có một vài con suối cạn, ai có nhu cầu camping, picnic thì ghé chỗ này cũng khá ổn.
Đèo có tên B40 vì khoảng năm 1970, khi mới được trang bị súng phóng hỏa tiễn B40, bộ đội thuộc Tỉnh Đội Lâm Đồng làm hầm cất giấu súng, đạn B40 dưới chân một con dốc, dẫn lên đỉnh Lú Lùng, từ đó con dốc có tên B40.
Nhưng theo ông Hà Thanh Đồng, cựu chiến binh, chuyên viết sử quân đội ở Lâm Đồng kể về tên con đèo này: Tháng 8 năm 1969, C 216 đặc công của Quân khu VI, sau chiến dịch Hoài Đức – Tánh Linh chuyển lên đứng chân tại K1 Lâm Đồng, căn cứ ở quanh quẩn vùng núi Lú Lùng. Đơn vị nhận nhiệm vụ đánh cứ điểm biệt kích tại Tân Rai, là nơi có hệ thống lô cốt, boong ke kiên cố. Để tạo sự tin tưởng có thể đánh lô cốt cho chiến sĩ trong đơn vị, khoảng tháng 10/1970, Bộ Chỉ huy C216 đã cho bắn thử một quả đạn B40, vào tảng đá to ven đường giao liên, dưới chân dốc núi, để xem sức công phá của đạn, từ đó nơi bắn thử đạn thành tên con dốc.
Sau này, tỉnh lộ ĐT 725 mở theo đường giao liên thuở ấy nên con dốc vẫn giữ nguyên tên.
Nguồn : http://baolamdong.vn
Update: hôm mình đi(22/02/2022) thì đèo đang làm, có một số đoạn đã làm xong, láng o. Tương lai làm đường xong chắc qua đèo này chắc sẽ sướng tay lắm.
Những đoạn đường đang được làm lại trên đèo B40
Những đoạn mới làm xong, đi êm ru 😅
Qua được đèo B40 thì đoạn còn lại chỉ toàn là đường đẹp thôi, đầu tiên là Lộc Bắc, cái xã có lẽ là vùng sâu vùng xa nhất của Bảo Lâm, dân trong này muốn đi đâu thì phải băng qua B40, hoặc ngược suống Đạ Tẻh rồi lại phải băng 20km ra Ql20… nghe nản ha?
Nhưng vì là vùng sâu, vùng xa, dân cư thưa thớt, khu vực này khá vắng người, cảnh quan còn tự nhiên nhiều lắm
Xã Lộc Bắc chính là vùng chiến khu xưa của tỉnh Lâm Đồng và làm một trong những xã nghèo nhất huyện. Người dân ở đây chủ yếu là người Châu Mạ. Lộc Bắc xưa kia là cơ sở cách mạng kiên cường trong hai cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Năm 1994, xã Lộc Bắc được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng, đây cũng là nơi vang danh người du kích K”Vét từng bắn rơi máy bay Mỹ.
Nếu lần đầu đi DT725 qua Lộc Bắc, bạn sẽ thấy đây là một cung đường đẹp, nhưng cung đường sẽ còn đẹp hơn nữa khi bạn bắt đầu đặt chân vào Đạ Tẻh. Cung đường quanh co qua Đèo Con Ó, từ trên cao đổ xuống sẽ cho bạn một cái view rất rộng, rất thoáng, xa xa bạn có thể thấy hồ Đạ Tẻh – một hồ nước lớn rất đẹp tại khu vực này.
*từ đây thì mình cầm lái, nên không chụp hình được nữa*
Đạ Tẻh với mình đó là khu *biệt lập* vì cách QL20 đến 20km, dù trong đó có thông với Cát Tiên và Lộc Bắc, tuy nhiên đường xá thông với 2 địa phương này toàn là đường hiểm trở, đường xấu. Muốn cái gì xịn xịn cũng phải vượt 20km ra QL20 rồi chạy xuống Đồng Nai hoặc ngược lên Bảo Lộc mới có…giống Lộc Bắc ấy, nhưng ở quy mô Thị Trấn 😅😅
Với mình Đạ Tẻh còn là địa phương Tây Nguyên mà có khí hậu Miền Tây, so với thằng hàng xóm Bảo Lộc, Bảo Lâm mưa suốt ngày thì ở đây nắng hoài, nóng hoài. Là một huyện *biệt lập* nên phương tiện giao thông lớn ở đây khá ít, đường xá trồng đầy cỏ lạc, chịu cái khí hậu nắng nhiều ở đây nên cỏ lạc phát triển tốt, cả thảm cỏ xanh xanh hoa vàng vàng trên khắp các cung đường của Đạ Tẻh.
Đạ Tẻh có quá trình hình thành và phát triển gắn liền với các huyện lân cận trên cao nguyên Bảo Lộc. Khi mới bắt đầu phát hiện ra vùng đất này, người Pháp gọi chung cho cả vùng là B’lao. Năm 1899, Pháp lập tỉnh Đồng Nai Thượng, bao gồm toàn bộ phần đất nằm trên cao nguyên Bảo Lộc-Di Linh và một phần của cao nguyên Lang Biang. Năm 1905, tỉnh Đồng Nai Thượng bị giải thể, đất đai sáp nhập vào tỉnh Bình Thuận. Năm 1920, tỉnh Đồng Nai Thượng được tái lập.
Thời Việt Nam Cộng Hoà, vùng đất Đạ Tẻh thuộc quận Bảo Lộc của tỉnh Lâm Đồng. Về phía chính quyền cách mạng, trước năm 1975, huyện Đạ Tẻh ngày nay nằm trong vùng căn cứ địa cách mạng tỉnh Lâm Đồng, giữa hành lang chiến lược các tỉnh: Ninh Thuận, Bình Tuy, Lâm Đồng, Đồng Nai, Phước Long, Đắk Lắk, còn được gọi là K4.
Sau ngày 30/4/1975, K4 được sáp nhập vào huyện Bảo Lộc, vùng đất Đạ Tẻh ngày nay được gọi là xã Lộc Trung. Từ giữa năm 1976, thực hiện chủ trương của Nhà nước trong việc bố trí và điều động dân cư, xây dựng vùng kinh tế mới, xã Lộc Trung được quy hoạch là địa bàn đón dân xây dựng kinh tế mới của tỉnh Lâm Đồng. Lực lượng tiền trạm và thanh niên xung phong của các địa phương như Thường Tín, Ứng Hòa (tỉnh Hà Sơn Bình cũ) và nhân dân thành phố Huế đã đến xây dựng vùng kinh tế mới.
Đến năm 1978, nhân dân huyện Triệu Hải (tỉnh Quảng Trị); huyện An Nhơn, Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định); Thạch Thất, Mỹ Đức, Quốc Oai, Phú Xuyên, Thường Tín (tỉnh Hà Sơn Bình); huyện Xuân Thuỷ, Hải Hậu, Thanh Liêm, Hoa Lư (tỉnh Hà Nam Ninh); huyện Hương Phú, Hương Điền (huyện) (tỉnh Thừa Thiên) đã đến xây dựng vùng kinh tế mới. Năm 1979, tách một phần huyện Bảo Lộc, trong đó có xã Lộc Trung để thành lập huyện Đạ Huoai. Ngày 6/6/1986, chia huyện Đạ Huoai thành 3 huyện: Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên. Huyện Đạ Tẻh khi đó gồm có 1 thị trấn Đạ Tẻh và 9 xã: An Nhơn, Đạ Kho, Đạ Lây, Hà Đông, Hương Lâm, Mỹ Đức, Quảng Trị, Quốc Oai, Triệu Hải.
Mình có một thằng bạn thân ở Đạ Tẻh nên xuống tới nơi, mình ghé nhà nó nghỉ ngơi một chút rồi kêu nó dẫn ra thác Triệu Hải chơi.
Thằng này được cái là dân địa phương nhưng chả đi đâu bao giờ, lần cuối nó đi thác là khoảng 20 năm trước, nên cuối cùng ảnh dẫn tụi mình đi sai …2 lần, đường thì xấu mà đi con vespa, xót hết cả xe. Thế là quyết định xử dụng chị Google Map cho chắc.
Thác Triệu Hải hay còn gọi là thác Đạ K’Lả (ĐaKala ) .Thác có độ cao 70m nếu tính từ đỉnh, cấp dưới thấp nhất là 50m. Nghe nói lên phía trên sẽ gặp thêm 6 thác giật cấp khác nữa ở triền núi. Do thác cao và lưu lượng nước lớn nên đứng xa hằng chục km: nếu đúng vị trí quang đãng sẽ vẫn nhìn thấy dòng thác hùng vĩ này.
Năm 2008, Lâm Đồng có cấp cho công ty nào đó đầu tư làm khu du lịch sinh thái, nhưng đến tận nay, *khu du lịch này* vẫn chỉ là cái cổng chặn ngang, thu tiền 20k/xe máy. Một dãy nhà vệ sinh trong gần thác để mọi người đến tham quan, camping thì có chỗ…xử lý thôi.
đi bộ khoảng 200m nửa bạn sẽ vào trong thác
www.diadiembaoloc.net là danh sách các địa điểm được ghi lại bởi một người địa phương sống tại Bảo Lộc, hy vọng website này sẽ giúp bạn dễ dàng tìm kiếm những địa điểm thích hợp cho bản thân.
“Mỗi chia sẻ của bạn về diadiembaoloc.net với bạn bè, người thân của bạn sẽ góp phần giúp du lịch địa phương phát triển”